Buổi đầu trị vì (1556 - 1562) Akbar Đại đế

Chống lại quân xâm lược Afghanistan

Akbar lên ngôi khi mới 14 tuổi, ông nắm trong tay một đất nước vừa mới được khôi phục, tình hình của các trấn ngoại biên vẫn chưa ổn định trong khi phía bên ngoài, ngoại bang đang dòm ngó. Adil Shah Suri (1556-1557), một vị vua khác của nhà Sur ở Afghanistan âm mưu tước đoạt lãnh thổ của nhà Mogul một lần nữa. Thuộc hạ của Adil là đại tướng Samrat Hemu Chandra Vikramaditya (theo Ấn giáo) đã dẫn hơn 5 vạn quân, 1000 voi chiến và 500 cỗ đại bác tiến vào lãnh thổ Mogul.[15]

Lúc đó, quan đại thần Bairam cùng với Akbar vẫn giữ vững tay chèo. Bairam đã tiến hành thanh trừng những viên tướng có tư tưởng dao động, đầu hàng, đồng thời chỉnh đốn quân ngũ, động viên tinh thần binh sĩ.[15] Và 1 vạn quân Mogul do Bairam và Akbar chỉ huy đã đánh tan 5 vạn quân Afghanistan tại trận Panipat lần thứ hai năm 1556, giết được đại tướng Hemu. Kể từ đó triều Sur không còn dám có hành động khiêu khích nữa, và thế lực của triều Mogul được củng cố.[15]

Sự chuyên quyền của Bairam và những người ngoại thích

Năm 1561, Bairam Khan bị một người Afghan giết tại Khambat

Tuy nhiên, những kẻ đe dọa ngai vàng của Akbar không chỉ là các thế lực ngoại bang mà còn là các quyền thần luôn nhăm nhe lật đổ vị vua trẻ tuổi.

Ví dụ như Bairam, sau trận chiến Panipat tể tướng này cũng đã bắt đầu thay đổi. Bairam cưới một người chị họ ngoại của Akbar và trở thành một thành viên trong hoàng tộc, có thế lực rất lớn. Vì vậy mà Bairam trở nên chuyên quyền, không xem Akbar ra gì. Những mệnh lệnh truyền đạt lên Akbar đều phải qua tay Bairam, còn việc có báo lại cho Akbar biết hay không lại là chuyện của Bairam. Thái độ này khiến cho Akbar càng lúc càng không hài lòng. Về phía mình, Bairam cũng biết rằng không chóng thì chầy vị ấu chúa cũng sẽ giành lại quyền lực của mình, nên Bairam quyết định tổ chức một âm mưu lật đổ Akbar và đưa một người anh/em của Akbar lên ngôi Hoàng đế.

Nhưng Akbar đã ra tay trước: năm 1560 ông yêu cầu người nhiếp chính của mình phải sắp xếp một chuyến hành hương đến Mecca ngay lập tức, nhằm cắt rời Bairam khỏi triều đình. Không còn cách nào khác, Bairam phải phục tùng. Thậm chí lúc Bairam lên đường, Akbar còn sai đại tướng Peel Muhammad tới xua đuổi. Phẫn uất, Bairam quyết định nổi loạn nhưng nhanh chóng thất bại. Mặc dù vậy Akbar vẫn tha thứ cho Bairam và sắp xếp cho Bairam hành hương tới Mecca một cách tương xứng với địa vị đại quý tộc của Bairam. Tuy nhiên, trên đường hành hương Bairam bị một người Afghanistan đâm chết tại Khambat vào ngày 31 tháng 1 năm 1561. Akbar nghe tin đã rơi lệ, sau đó nhà vua quyết định nhận nuôi một người con nhỏ của Bairam, về sau người này được thừa kế tước hiệu "Khan" của cha và trở thành một công thần của Akbar. Đó cũng là một cách Akbar đền đáp công ơn của Bairam.[15]

Khuất phục được Bairam không có nghĩa là mọi việc đã xong. Thật ra, Bairam là một đại thần tài năng trong khi đến lúc này Akbar vẫn còn là một vua trẻ thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, sau khi Bairam qua đời, việc triều chính thiếu hẳn người lo toan. Mẹ, bà vú Mahama Agna cùng những người ngoại thích của Akbar nhân cơ hội đó đã chiếm giữ rất nhiều quyền lực trong triều đình.[15] Akbar vẫn bị nạn quyền thần khống chế thêm một thời gian nữa. Giai đoạn hỗn loạn chính trị vào đầu của triều vua Akbar được các nhà sử học gọi là "thời kỳ gà mái gáy sáng"[15].

Nhưng thời gian ấy không kéo dài. Đến năm 1562, sau một thời gian "học hỏi", Akbar đích thân trị nước.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Akbar Đại đế http://www.boloji.com/history/022.htm http://www.bookrags.com/biography/jalal-ud-din-moh... http://www.encyclopedia.com/doc/1E1-Akbar.html http://www.golbook.com/Showdata_Index.asp?s10=3&ma... http://scholar.google.com/scholar?q=Ishwari%20Pras... http://www.panoramio.com/user/116638/tags/Akbar http://www.the-south-asian.com/Dec2000/Akbar.htm http://www.worldofbiography.com/9001-Akbar/ http://www.columbia.edu/itc/mealac/pritchett/00lit... http://wsu.edu/~dee/MUGHAL/AKBAR.HTM